Các Nghi Thức Sau Đám Tang

Giá: Giá liên hệ
(0 đánh giá)

Hàng trong kho: CÒN HÀNG

Mô tả sản phẩm

 Các Nghi Thức Sau Đám Tang

Các Nghi Thức Sau Đám Tang:

+ Đi đắp mộ: Buổi chiều hoặc ba ngày sau đám tang, con cháu người chết mang cuốc xẻng đi đắp lại cho ngôi mộ được cao lên và đẹp hơn. Người ta lấy những mảng có phủ kín bề mặt ngôi mộ, sau đó thắp hương rồi trở ra về. Họ cho rằng nếu cỏ trên ngôi mộ lên nhanh, xanh tươi là điềm lành, báo mồ yên mả đẹp.

+ Cúng tuần đầu: Sau đám tang có lễ cúng tuần đầu. Tuần đầu không quy định bao nhiêu ngày mà là ngày rằm hoặc mồng một đầu tiên kể từ sau khi chết. Người ta sắp cỗ mặn để cúng ở nhà, không cần thiết phải lên mộ.

+ Cúng 49 ngày: Ngày thứ 49, con cháu làm cỗ mặn cúng tại nhà và mang xôi gà, rượu cùng trầu, cau, hương lên chùa, đền lễ cho vong hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát. Sau 49 ngày người ta có thể rước vong linh lên chùa (với những cụ đã quy Phật). Lễ vật gồm trầu cau, xôi thịt cùng hương nến. Thân nhân nói tên tuổi người chết để nhà sư làm lễ. Sau lễ này người chết đó sẽ có một bát hương trên chùa, ghi tên tuổi rõ ràng và được nhà chùa thắp hương vào những ngày sóc, vọng. Tuy nhiên, con cháu vẫn thờ cúng ở nhà bình thường như mọi người khác.

+ Cúng 100 ngày: Trong vòng 100 ngày con cháu phải cúng cơm mỗi ngày hai bữa trưa, chiều. Họ giải thích rằng người chết mới xuống âm phủ cũng như người mới ra ở riêng, chưa có vốn làm ăn lại không quen biết ai, chưa có lương thực nên phải cúng cơm cho họ như là nuôi trong những ngày đầu. Cúng trong vòng 100 ngày rất đơn giản. Người ta xới một bát cơm lồng, một đôi đũa, một quả trứng luộc đã bóc sạch vỏ và một đĩa muối trắng, một chén nước lã, đặt lên bàn thờ rồi chắp tay khấn, gọi đầy đủ tên tuổi, quê quán của người chết mời về ăn cơm. Nhà nghèo không có trứng cũng không sao nhưng phải đầy đủ cơm, muối và chén nước. Cơm nấu để cúng không được ghế cơm nguội, không được nếm hay lấy cho chó, mèo ăn trước khi cúng.

Đến ngày thứ 100, người ta làm lễ tốt khốc. Lễ thức này cũng giống như 49 ngày nhưng thường được tổ chức lớn hơn, mời họ tộc và con cháu trở về đông đủ. Sau 100 ngày thân nhân không phải cúng cơm nữa, người chết được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên, câu đối và gian thờ cúng được dọn dẹp.

Cũng trong khoảng 100 ngày này, mỗi khi có đám tang thì con cháu phải đi nhận mộ bằng cách lên thắp hương và hờ khóc trong suốt khoảng thời gian đám tang kia chôn cất. Họ cho rằng khi có một đám tang mới là âm phủ có một đám hội, hồn ma có thể mải chơi nơi đám hội này mà quên mất lối về cho nên phải hờ khóc để gọi hồn về đúng nhà cửa của nó.

+ Cải táng: Người chết từ ba năm trở lên mới được phép cải mộ. Người ta thường xem ngày, chọn giờ tốt, mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc "thay nhà mới" cho người chết. Họ cũng sắp lễ đến cúng ở chùa, đền và trên mộ. Khi cải táng, người ta tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống huyệt. Bởi vậy họ thường dùng bạt che. Rượu được mang theo để rửa tay và đổ xuống ván khi vừa mở nắp, mục đích là để tẩy mùi. Xương cốt được thu gom đầy đủ rồi đặt vào trong tiểu nhưng phải sắp xếp theo đúng như vị trí của chúng trên cơ thể. Tiểu được đem đi chôn ở nơi đã chọn, song nhìn chung người ta thường quy tụ mồ mả của họ tộc về một khu vực để dễ bề trông nom, chăm sóc. Tiểu được chôn vĩnh viễn không chuyển dịch đi đâu nữa.

+ Kị nhật: Cũng như người Việt ở mọi nơi khác trên đất nước Việt Nam này, người dân ở đây cũng cúng giỗ tổ tiên và thân nhân của mình mỗi năm một lần vào ngày mất của họ. Có thể giỗ trước hoặc sau ngày chết một ngày. Đáng chú ý là họ rất coi trọng giỗ đầu và thường tổ chức long trọng. Thân nhân ở xa không về kịp đám tang thường đợi đến giỗ đầu mới về. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng sau một năm mà thân nhân người chết không ốm đau, làm ăn không thất bại, mồ mả không bị động thì người chết đó mới được coi là ra đi thanh thản, mồ yên mả đẹp và phù hộ độ trì cho con cháu. Giỗ đầu được tổ chức linh đình bởi những ý nghĩa đó.

Đáng chú ý là trong các vật phẩm cúng giỗ, người ta không bao giờ dùng xôi đỗ đen hay các món canh cua, riêu ốc. Họ cũng thường cúng những món mà khi còn sống người đó thích ăn.

 

 

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào, hãy là người đầu tiên đánh giá về sản phẩm này

  Đăng nhập

Bình luận facebook

ĐỐI TÁC

THÔNG TIN

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TANG LỄ THIÊN THU

Địa chỉ: Lô B3, Nguyễn Hữu Thọ, KDC Kim Sơn, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84. 02873033577
Hotline: 090 840 11 55
Email: info@tanglethienthu.com
Website: www.tanglethienthu.com

Đang tải... vui lòng chờ trong giây lát